Phân biệt IaaS vs. PaaS vs. SaaS

Share and Enjoy !

Shares

Mở đầu

Ở thời kỳ mà đi bất cứ đâu, ở bất kỳ hội thảo, webinar lớn nhỏ nào cũng đều bắt gặp xu hướng “chuyển đổi số” thì thuật ngữ cloud computing (điện toán đám mây) hẳn không còn xa lạ đối với doanh nghiệp.Những đám mây khổng lồ như Google Cloud, AWS, Azure,.. cung cấp rất nhiều giải pháp khác nhau để đáp ứng cho nhu cầu cực kỳ đa hình của doanh nghiệp trong mục tiêu “chuyển đổi số“.

Tuy nhiên, để có lộ trình chuyển đổi từ hạ tầng công nghệ thông tin vật lý (on-premise) lên đám mây hợp lý, doanh nghiệp cần những CTO hoặc IT manager có hiểu biết chuyên sâu về điện toán đám mây để hoạch định và chọn những giải pháp phù hợp.

Hiện tại có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ cloud lớn nhỏ khác nhau nhưng nhìn chung vẫn thuộc 3 nhóm giải pháp chính sau:

  1. Hạ tầng như một dịch vụ: Infrastructure as a Service (IaaS)
  2. Nền tảng như một dịch vụ: Platform as a Service (PaaS)
  3. Phần mềm như một dịch vụ: Software as a Service (SaaS)

IaaS vs. PaaS vs. SaaS: Những khác biệt chính

  • Hạ tầng như một dịch vụ (IaaS): là một giải pháp tự phục vụ mà nhà cung cấp sẽ hỗ trợ quản lý phần cứng máy chủ, network, ảo hóa,.. và hỗ trợ khả năng mở rộng hạ tầng điện toán đám mây, trong khi khách hàng chỉ quản lý từ lớp hệ điều hành trở lên.
  • Nền tảng như một dịch vụ (PaaS): là một giải pháp cung cấp hạ tầng và môi trường đảm bảo cho việc phát triển và khiển khai ứng dụng từ phía người dùng. Khách hàng chỉ cần tập trung vào phát triển ứng dụng và quản lý dữ liệu trong khi nhà cung cấp sẽ đảm bảo tất cả các thành phần bên dưới.
  • Phần mềm như một dịch vụ (SaaS): là một giải pháp lưu trữ tập trung, trong đó nhà cung cấp bên thứ ba sẽ vận hành một ứng dụng và cung cấp ứng dụng đó đến khách hàng thông qua internet. Đây là giải pháp mà nhà cung cấp sẽ chịu trách nhiệm quản lý tất cả các vấn đề kỹ thuật từ hạ tầng đến ứng dụng.

IaaS trong điện toán đám mây là gì?

IaaS là một giải pháp điện toán đám mây cực kỳ linh động với khả năng mở rộng cao. Phía host cung cấp các thành phần của hạ tầng theo kiểu “dùng đến đâu trả tiền đến đấy“. Điều này có nghĩa bạn có thể mua thêm resource nhanh chóng khi cần thiết.

Nhà cung cấp sẽ đáp ứng máy chủ vật lý, storage, hệ thống mạng và lớp ảo hóa. Bạn điều khiển và cấu hình các thành phần này bởi API hoặc giao diện web.

Bằng cách di chuyển hạ tầng lên cloud, khách hàng chỉ cần tập trung vào việc quản lý hệ điều hành các máy ảo, runtime, middleware và ứng dụng.

Những lợi ích vượt trội

  • Linh hoạt
  • Với khả năng mở rộng cao cho phép bạn thêm hoặc cắt giảm tài nguyên khi cần.
  • Tiết kiệm chi phí, bạn chỉ phải trả cho những gì đang vận hành.
  • Dễ dàng thao tác với API hoặc giao diện web.
  • Khả năng tùy biến cao vì nó cho phép bạn kiểm soát hạ tầng của mình.

Những điểm hạn chế

Do hạ tầng theo kiểu đa đối tượng nên dễ nãy sinh lo ngại về bảo mật dữ liệu.

Phụ thuộc vào kết nối internet – đây cũng là rào cản lớn với các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận cloud.

Đối tượng sử dụng IaaS?

IaaS hoàn toàn phù hợp với nhiều doanh nghiệp với quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Doanh nghiệp nhỏ và start-ups (khởi nghiệp)

IaaS cho phép họ giảm chi phí đầu tư thiết bị phần cứng, tiết kiệm thời gian và đặc biệt là có tính toán phù hợp cho đội ngũ vận hành hạ tầng công nghệ thông tin.

Doanh nghiệp lớn

Những công ty dạng này sử dụng IaaS vì hiệu suất cao và khả năng kiểm soát đầy đủ các ứng dụng và hạ tầng của họ. Với giải pháp này, họ chủ động cung cấp và thu hồi tài nguyên họ cần một cách nhanh chóng.

IaaS đượng sử dụng trong những trường hợp nào?

Môi trường phát triển và kiểm thử ứng dụng

Khi phát triển và kiểm thử ứng dụng, dev thường muốn chủ động cài đặt và thu hồi môi trường một cách nhanh chóng, giảm sự phụ thuộc vào đội ngũ DevOps (hoặc System Admin).

Web hosting

Thích hợp cho các trang web lớn, có lượt truy cập thường xuyên biến động. Do ưu điểm khả năng mở rộng cao, IaaS giúp website của bạn giảm downtime ở mức tối đa; đồng thời dễ dàng thu hồi tài nguyên để tiết kiệm chi phí trong gian đoạn lượt truy cập thấp.

Data Storage (hệ thống lưu trữ)

Nếu bạn chỉ muốn tập trung hoàn toàn vào điều hành doanh nghiệp của mình thì IaaS sẽ giúp xử lý việc thiết lập và quản lý hệ thống lưu trữ, sao lưu và khôi phục dữ liệu.

Web applications

IaaS cung cấp khả năng mở rộng, sức mạnh tính toán và tất cả thành phần cần thiết để lưu trữ và vận hành một ứng dụng web quy mô doanh nghiệp.

Big data analysis

IaaS cung cấp khả năng tính toán và xử lý siêu việt, nền tảng phân tích dữ liệu lớn.

Provider

Google Cloud Platform, AWS, Microsoft Azure, Rackspace, DigitalOcean.

PaaS trong điện toán đám mây là gì?

Nền tảng như một dịch vụ là một giải pháp điện toán đám mây mà trong đó, phía host sẽ cung cấp và quản lý tất cả các thành phần tài nguyên ảo hóa, trong khi người dùng (thường là bộ phận DEV) sẽ phát triển, quản lý ứng dụng và dữ liệu. Nó cho phép các lập trình viên chủ động thiết lập deploy ứng dụng nhanh và dễ dàng hơn bằng các công cụ DevOps.

Do đó, người dùng sẽ nhận được đầy đủ các công cụ hỗ trợ cứng và mềm cần thiết để phát triển ứng dụng (do nhà cung cấp sở hữu, chỉ định cấu hình và vận hành). Đây không chỉ là yếu tố chính giúp giảm chi phí thuê nhân sự vận hành hạ tầng mà còn cho phép DEV chỉ tập trung “code, ăn, ngủ” :)).

Những lợi ích vượt trội

  • Nhanh chóng và thuận tiện cho việc code và deploy các ứng dụng.
  • Bạn không cần đầu tư thêm phần cứng, băn khoăn cấu trúc hạ tầng cũng như thiết lập môi trường cho ứng dụng.
  • Có khả năng mở rông.
  • Dễ dàng truy cập
  • Nhà cung cấp sẽ luôn chủ động tối ưu hạ tầng, tự động cập nhật các bản vá lổ hỗng bảo mật.
  • Không cần phải vất vả quản lý hạ tầng.

Những điểm hạn chế

  • Vẫn là vấn đề về bảo mật dữ liệu người dùng, nhà cung cấp có thể áp dụng một số chính sách lưu trữ làm giới hạn các tùy chọn về bảo mật trên ứng dụng của bạn.
  • Ứng dụng nằm hoàn toàn trên hạ tầng của nhà cung cấp nên sẽ gặp nhiều trở ngại nếu người dùng có ý định di chuyển nó từ đám mây này sang đám mây của nhà cung cấp khác. Khách hàng mong muốn được chuyển đổi sang một đám mây có dịch vụ phù hợp hơn nhưng vì khối lượng dữ liệu hiện tại quá lớn, chi phí di chuyển quá cao hoặc không muốn đối mặt với tình trạng dịch vụ bị gián đoạn nên thường sẽ “nhắm mắt” ở lại với nhà cung cấp hiện tại.
  • Có thể xảy ra vấn đề tương thích môi trường nếu một số thành phần của ứng dụng nằm ngoài đám mây đang sử dụng.

Đối tượng sử dụng PaaS?

Trong hầu hết các trường hợp, PaaS được sử dụng như một framework trong phát triển ứng dụng. Hầu hết các team lập trình đã chuyển sang giải pháp cloud-based để bắt kịp với sự phát triển chóng mặt của công nghệ. Thay vì phải mất thời gian cho hạ tầng, họ tập trung vào việc triển khai ứng dụng và cung cấp những tính năng mới.

PaaS đượng sử dụng trong những trường hợp nào?

  • Phát triển và quản lý API
  • Internet kết nối vạn vật (Internet of things)
  • Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business analytics)
  • Nhà cung cấp: AWS Elastic Beanstalk, Oracle Cloud Platform, Microsoft Azure, IBM Cloud Foundry, Google App Engine, SAP Cloud.

SaaS trong điện toán đám mây là gì?

SaaS là một nhóm giải pháp phổ biến nhất trong 3 nhóm giải pháp về đám mây được đề cập trong bài viết này. Một ví dụ gần gũi nhất: bạn mở trình duyệt web truy cập vào Gmail của mình tức là bạn đang sử dụng SaaS.

SaaS là một ứng dụng được triển khai trên cloud, người dùng truy cập thông qua internet. Bạn hoàn toàn không bận tâm đến hạ tầng, nền tảng, ngôn ngữ lập trình, database được xây dựng và vận hành như thế nào. Đây là một giải pháp cung cấp đến khách hàng là có thể sử dụng ngay lập tức.

Các ứng dụng dạng SaaS luôn sẵn sàng truy cập ở bất cứ đâu có kết nối internet. Bên cạnh một số ứng dụng trả phí theo license như Salesforce, vTiger, Google Workspace, Office 365,… thì đa số nhà cung cấp đám mây đang ưa chuộng hình thức cung cấp các gói cao cấp (primeum, enterprise) với những ứng dụng miễn phí, tiêu biểu có thể kể đến như Gmail, Github, Gitlab, Shopify,…

Những lợi ích vượt trội

  • Dễ dáng sử dụng vì nó không yêu cầu người dùng trang bị nhiều kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin.
  • Dễ dàng truy cập bằng trình duyệt web và internet.
  • Chi phí hiệu quả, thường đăng ký thanh toán theo năm hoặc theo tháng.
  • Có khả năng mở rộng với nhiều gói khác nhau, phù hợp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Những điểm hạn chế

  • Phụ thuộc vào kết nối internet.
  • Thiếu hoặc không có quyền kiểm soát luồng ứng dụng. Nhà cung cấp toàn quyền quản lý ứng dụng theo yêu cầu.
  • Khả năng tỳ biến hạn chế. Các tính năng đã được fix cứng bởi thông số gói bạn đăng ký và chỉ có thể sử dụng thêm các tiện ích bổ sung (add on) từ phía nhà cung cấp.

Đối tượng sử dụng SaaS?

SaaS được sử dụng bởi các cá nhân, doanh nghiệp với quy mô khác nhau để đơn giản hóa quy trình truy cập dữ liệu, cộng tác và nhiều tác vụ khác nhau.

SaaS đượng sử dụng trong những trường hợp nào?

  • Trang thương mại điện tử
  • Nền tảng cộng tác (Collaboration platforms): Các dự án yêu cầu nền tảng cộng tác dễ truy cập thường sử dụng các ứng dụng SaaS để hợp tác trong một dự án và dễ dàng follow tiến trình dự án theo thời gian thực.
  • Khả năng truy cập đa thiết bị
  • Truy cập theo yêu cầu (On-demand access): Nhiều doanh nghiệp chỉ cần một ứng dụng cụ thể trong một khoảng thời gian ngắn hoặc chỉ những giai đoạn cụ thể mới sử dụng ứng dụng này. Vì họ không cần dịch vụ thường xuyên nên có thể truy cập theo yêu cần ngắn hạn là giải pháp đơn giản nhất.
  • Ví dụ: Dropbox, Salesforce, Slack, JIRA,…

Lời kết

Những gì mình vừa chia sẻ chỉ là những khái niệm cơ bản và phổ biến nhất về dịch vụ điện toán đám mây. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc góp ý về nội dung bài viết, các bạn có thể để lại phản hồi ngay bên dưới.

Hy vọng với một vài tản mạn về IaaS, PaaS và SaaS này sẽ hữu ích với các bạn trên con đường di chuyển hệ thống lên cloud, phục vụ cho mục tiêu “chuyển đổi số” trong kỷ nguyên 4.0

Nguồn: https://phoenixnap.com/blog/iaas-vs-paas-vs-saas

Share and Enjoy !

Shares
Giới thiệu Hiệp Phạm 135 bài viết
Hiệp hiện đang là thành viên nhóm tác giả của HIEPSHARING.COM. Thích tìm hiểu, nghiên cứu Ethical Hacking, SysAdmin, DevOps và những công nghệ mới. Phương châm sống của mình: "Chỉ cần bản thân không bỏ cuộc, chậm chút cũng không sao."

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*